Danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825)

28/03/2025 17:50:42 6      Chọn cỡ chữ A a  

Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765[1], mất vào tháng 3/1825, đến nay đã tròn 200 năm. Ông là một trong “Gia Định tam gia” và là những học trò ưu tú của Võ Trường Toản. Ông cũng là một nhà sử học, địa lý học và văn hóa học... với những công trình nổi danh còn giá trị cho đến hôm nay và mai sau, tiêu biểu là tác phẩm Gia Định thành thông chí.

Tượng Trịnh Hoài Đức (sưu tầm)

 

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) (sưu tầm)

Trịnh Hoài Đức có tên gọi khác là An, tên tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai; tổ tiên gốc người huyện Trường Lạc, Phúc Kiến (Trung Quốc). Đầu đời nhà Thanh, ông nội là Trịnh Hội (hiệu Sư Khổng) di cư qua Việt Nam, ngụ tại Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay). Cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, đời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) được bổ làm Cai thu, sau được thăng Cai đội. Khi cha mất, Trịnh Hoài Đức mới 10 tuổi, sau theo mẹ dời vào Phiên Trấn (Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Tại đây, ông theo học nhà nho, nhà giáo Võ Trường Toản.

Năm Mậu Thân (1788), sau khi Nguyễn Ánh chiếm Gia Định, Trịnh Hoài Đức cùng nhóm Lê Quang Định ra ứng cử, được bổ làm Hàn lâm viện Chế cáo. Năm 1789, ông nhậm chức Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình. Sau đó, ông đổi qua bộ Hình, kế nhiệm chức Thị giảng Đông cung. Năm 1794, ông được bổ làm Ký lục dinh Trấn Định (Mỹ Tho ngày nay). Năm 1801, Trịnh Hoài Đức làm Tham tri bộ Hộ. Năm 1802, Trịnh Hoài Đức được thăng Thượng thư bộ Hộ, làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Năm 1804, ông hộ giá Gia Long về Phú Xuân, vẫn đảm nhiệm chức Thượng thư bộ Hộ.

Năm 1808, Gia Định trấn được đổi thành Gia Định thành, Trịnh Hoài Đức được bổ làm Hiệp Tổng trấn. Năm 1812, ông được triệu về kinh, cải nhiệm Thượng thư bộ Lễ, kiêm quản Khâm Thiên giám. Năm sau (1813), ông được chuyển sang làm Thượng thư bộ Lại. Đến năm 1816, ông lại được nhậm chức Hiệp Tổng trấn Gia Định thành.

Năm 1820, thời Minh Mạng, Ông tạm lãnh chức Tổng trấn Gia Định thành, sau đó, được triệu về kinh, lãnh chức Thượng thư bộ Lại.

Năm 1821, Minh Mạng thăng cho Trịnh Hoài Đức hàm Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Lại kiêm Thượng thư bộ Binh, trở thành nguyên lão của triều đình. Tháng 3 năm 1822, Ông được sung làm Chánh Chủ khảo trường thi Hội; tháng 11, Ông kiêm lãnh Thượng thư bộ Lễ.

Tháng 7 năm 1823, Trịnh Hoài Đức xin về Gia Định nghỉ vì sức khỏe. Đến tháng 9 cùng năm, Ông trở lại kinh lãnh chức Thượng thư bộ Lại và bộ Lễ. Tháng 10 cùng năm, Ông trở về Gia Định liệu việc nhà. Tháng 3 năm 1824, Ông trở ra kinh, lãnh chức Thượng thư bộ Lại kiêm quản Lễ bộ sự vụ. Tháng 7 cùng năm, Ông được sung chức Tổng tài và quyền lãnh công việc ở ty Thương Bạc. Chẳng bao lâu, do bệnh nặng, tuổi cao, Ông từ trần tại Quỳ Viên (tháng 3 năm 1825), thọ 61 tuổi.

Khi Ông mất, triều đình cho bãi triều ba ngày, truy tặng Ông làm Thiếu Bảo Cần Chánh điện Đại học sĩ (hàm Chánh nhất phẩm), đặt tên thụy là Văn Khác. Ban cho gấm hồng, gấm Tống 04 cây, nhiễu đoạn mỗi thứ 04 tấm, sa trừu 11 tấm, tiền 2.500 quan, gạo 500 phương, dầu 3.000 cân. Vua sai hoàng tử là Miên Hoằng đến nhà riêng vâng mệnh cho rượu, lại phái 400 quân thần sách đưa thi hài Ông đến bến đò sông Hương về chôn tại quê nhà tại làng Bình Trước, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long (nay là phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa).

Trịnh Hoài Đức là nhà văn hóa ưu tú, để lại nhiều tác phẩm đồ sộ về văn chương và các công trình nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa như: Cấn Trai thi tập (gồm 03 tập: Thối thực truy biên tập, Quan quang tập, Khả dĩ tập); Bắc sứ thi tập (có ý kiến cho rằng Bắc sứ thi tập chính là Quan quang tập trong Cấn Trai thi tập); Lịch đại kỷ nguyên; Khang tế lục; Gia Định tam gia thi tập. Đặc biệt, sách Gia Định Thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức là cuốn địa chí đầu tiên kê tỉ mỉ các tổng, xã, thôn ở Nam bộ. Quốc sử quán triều Nguyễn tham khảo cuốn này để viết gọn lại phần Nam kỳ lục tỉnh trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí (nhiều tập). Đối với trấn Biên Hòa, sách Gia Định Thành thông chí giới thiệu khái quát như sau: “Từ Đông đến Tây cách 542 dặm rưỡi, từ Bắc đến Nam cách 587 dặm rưỡi. Phía Đông giáp núi Thần Mẫu, lập trạm Thuận Biên, chạy dài ra phía Bắc đều là sách động của sơn man, phía Nam giáp trấn Phiên An, trên từ suối Băng Bột, qua Đức giang đến Bình giang bẻ quanh về ngã ba Nhà Bè, thẳng xuống vùng biển Cần Giờ qua Vũng Tàu ra Thát sơn lấy một giải sông dài làm giới hạn. Phần đất ở bờ phía Bắc sông là địa giới trấn Biên Hòa, phía Đông giáp biển, phía Tây đến sơn man”. Trấn Biên Hòa gồm có 01 phủ (Phước Long), 04 huyện (Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An), 08 tổng (Phước Vinh, Chánh Mĩ, Bình Chánh, An Thủy, Long Vĩnh, Thành Tuy, An Phú, Phước Hưng) với 307 xã, thôn, phường.

Ông làm quan cho hai vua đầu triều Nguyễn, nổi bật là một tấm gương về tài năng và đức độ. Ngoài việc làm quan, Trịnh Hoài Đức còn trở thành ba vì sao sáng trên lĩnh vực văn chương Nam bộ, được mệnh danh là “Gia Định tam gia” (gồm: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh). Hiện nay, lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia (Quyết định số 1539/QĐ, ngày 27/12/1990).

Đoàn Trung Kiên



[1] Có tài liệu nói ông sinh năm 1764.

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   17786
  • Tháng hiện tại:   338967
  • Tổng lượt truy cập:   6626066