Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang trở thành một công cụ quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý nhà nước. Việc ứng dụng AI cho phép thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây đòi hỏi trí thông minh và công sức rất lớn của con người. Do đó, công nghệ này được xem là chìa khóa phát triển kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo được xem là một trong những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số; một số trường hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam cho thấy tiềm năng và đạt một số kết quả ban đầu.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã hoạch định các chủ trương, chính sách và chiến lược nhằm phát triển và ứng dụng AI, tiêu biểu là chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Những chính sách này là hành lang pháp lý để thúc đẩy AI phát triển bền vững, cụ thể: Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”; Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050”; Quyết định số 204-QĐ/TW ngày 29/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phê duyệt Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Cho phép hỗ trợ lên đến 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để thúc đẩy phát triển AI. Tháng 12/2024, Chính phủ Việt Nam và tập đoàn NVIDIA đã ký kết thỏa thuận thiết lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI cùng trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam, nhằm phát triển tài năng AI và hạ tầng kỹ thuật số trong nước; đặc biệt, công ty cam kết đầu tư hơn 250 triệu USD để xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại, mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển AI và dữ liệu tại thị trường Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) cùng các đại biểu ký thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA
Tại Đồng Nai, việc ứng dụng AI và phân tích dữ liệu trong công tác quản lý đem đến nhiều cơ hội, hứa hẹn cải thiện năng suất, đáp ứng nhanh nhu cầu của người dân khi đi làm thủ tục. Đồng thời, góp phần hình thành nền tảng của chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 433-KH/TU ngày 28/02/2025 thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính về việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chấp thuận triển khai hệ thống AI của tỉnh theo hình thức phù hợp, khả thi để hỗ trợ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Sở Khoa học và công nghệ.
Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai hệ thống AI, giai đoạn đầu áp dụng thí điểm tại Sở Khoa học và Công nghệ để làm cơ sở đánh giá mở rộng ra các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp cơ sở phục vụ nhiệm vụ quản lý và phổ cập kiến thức AI theo tinh thần “Bình dân học vụ số”. Sở Tài chính xem xét, bố trí kinh phí cho Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Tập huấn phổ cập kiến thức và kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho tất cả cán bộ, công chức các cơ quan khối đảng, đoàn thể
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ, trong thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai và đạt được nhiều kết quả về chuyển đổi số, trong đó hạ tầng viễn thông cố định và di động cơ bản đã phủ sóng tới 100% các ấp, khu phố. Tỉnh đã đầu tư xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh) kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng. Cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thí điểm mô hình trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) ở thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh.
Từ những chỉ đạo nêu trên của Đảng, Nhà nước có thể khẳng định việc ứng dụng AI được xem là một trong những vấn đề cốt lõi nhằm cải thiện hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước; vừa phục vụ Nhân dân được tốt hơn, hướng đến lợi ích cho người dân, phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức của con người như an toàn, trách nhiệm giải trình, minh bạch và bao trùm. Ngoài ra, ứng dụng AI trong cải cách thủ tục hành chính nhằm mang lại nhiều lợi ích đáng kể, giảm thiểu thời gian xử lý và chi phí, giảm bớt gánh nặng cho cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý tại các cơ quan hành chính, tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính và chuyển đổi số, xây dựng nền hành chính hiện đại; ứng dụng AI sẽ tăng cường hiệu quả công tác chuyên môn. Trong đó, AI tự động hóa các công việc lặp lại như soạn thảo văn bản, bài phát biểu, nhắc lịch họp và phân phối xử lý văn bản; cung cấp khả năng tra cứu thông tin pháp luật nhanh chóng và chính xác, đáp ứng kịp thời trong công tác tham mưu. Đồng thời, AI cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện phương thức sống và làm việc của người dân, hướng tới xây dựng một xã hội thông minh, hiện đại và bền vững hơn.
Hoàng Lý