Trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc. Biển, đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, trở thành một phần máu thịt của người dân Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt. Có biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức, máu xương của các thế hệ người Việt đã đổ xuống để xác lập vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền các đảo trên Biển Đông. Tiếp nối niềm tự hào quê hương “Thành đồng Tổ quốc”, sáng ngày 08/5/2024, Tàu 561 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân đưa 80 người con đoàn công tác tỉnh Đồng Nai do đồng chí Đào Văn Phước, UVTV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã rời cảng, bắt đầu hải trình đến thăm Trường Sa, tiền đồn thiêng liêng của Tổ quốc.
Mang trong mình tình yêu biển đảo da diết, nhưng chỉ khi trực tiếp trải nghiệm hải trình đầy ý nghĩa, con tàu càng ra khơi xa, mới thấy được “biển cả mênh mông, hùng vĩ” và mới cảm nhận rõ “Biển của Tổ quốc rộng lớn, tươi đẹp quá! Biển bao la như tấm lòng của mọi người con đất Việt, luôn hướng về biển, đảo quê hương. Sóng biển Trường Sa lúc mạnh mẽ, cuồn cuộn như khí phách của ông, cha và những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã kiên cường, hiên ngang trước phong ba, bão táp, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sóng Trường Sa có lúc dịu êm, nước xanh một màu như ngọc bích dưới ánh nắng tháng 5 rực rỡ hòa quyện vào tình quân, dân”.
Ngày 08/5/2024, Đoàn công tác tỉnh Đồng Nai dâng hoa, dâng hương tại cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), chuẩn bị xuất phát thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK Tư Chính.
Con tàu rẽ sóng đến với Trường Sa, được đến, được tận mắt nhìn, trực tiếp nếm vị mặn chát của nước biển, trực tiếp chứng kiến những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ biển, đảo Trường Sa, mới càng ngấm, càng hiểu và càng thấy yêu quý Tổ quốc Việt Nam - Dải đất hình chữ S đã trải qua bão dông, khói lửa, gian khổ,… để sinh tồn như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển/ Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Thật không thể diễn tả hết tâm trạng háo hức, mong mỏi khi Đoàn công tác cùng với lãnh đạo Quân chủng Hải quân và các đơn vị đến thăm, động viên và tặng quà tại Đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây C, Đá Đông A, Trường Sa lớn và Nhà giàn DK Tư Chính - Nơi đầu sóng ngọn gió, vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Khi bước chân lên đảo Sinh Tồn và Trường Sa Lớn, các thành viên trong đoàn ngỡ ngàng, vui mừng trước màu xanh, sức sống mạnh mẽ của những cây phi lao, bàng vuông, cây tra, phong ba, mù u,… Lật lại trang sử qua lời kể: “Đảo ban đầu chỉ có san hô, gió và cát, đất chính là tài nguyên quý giá, là món quà được mang từ đất liền, đất đã hòa lẫn vào cát với gió biển, dưới bàn tay của quân, dân trên đảo đã tạo nên màu xanh, sức sống ấy. Trên các đảo Cô Lin, Đá Tây C, Đá Đông A, nhà giàn DK1 đất là thứ được cá bộ, chiến sĩ trân quý để gia tăng sản xuất, tạo thành mảng xanh cho đảo, nhà giàn”.
Trường Sa không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn chan chứa tình người. Những con người nơi đây đã trực tiếp góp gần tạo nên điều kỳ diệu, sức sống mới cho Trường Sa, nhiều công trình được đầu tư lớn, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế,... Những nơi đoàn đến đều nhận được những tình cảm nồng ấm, gần gũi của quân, dân trên đảo. Được gặp gỡ, giao lưu cùng các chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên Đảo mới thấy hết ý thức trách nhiệm, tình yêu của người lính đối với mỗi hòn đá, mỗi con sóng, giữa nắng gió và bão tố biển khơi. Giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu, nơi ngày đêm người lính đảo luôn hướng về đất liền, tiếng cười, giọng nói, cái bắt tay, đôi câu trò truyện như những điều giản dị đời thường, nhưng giữa đảo sóng xa xôi ấy lại là niềm mong mỏi, khát khao, chờ đợi… Có lẽ giữa bốn bề dài rộng vô tận của biển cả, ta mới thấy hết cái trân qúy, giá trị của giọng nói, nụ cười, những lời chia sẻ, động viên. Trong bao la tiếng sóng dội bờ, có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm thân thương; có sự chia sẻ và có cả niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả. Sự cao cả ở đây bằng những việc làm rất cụ thể, đó là, sức chịu đựng của những chàng trai lính đảo trước cái nắng nóng của biển, đảo, sự chát mặn của biển sâu, những khó khăn, thiếu thốn trăm bề của vật chất giữa đảo xa vây quanh bốn bề sóng nước…
Khi tàu dừng lại tại vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa - nơi mà cách đây 36 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự vẹn toàn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa được tổ chức thành kính, trang nghiêm. Những người con anh hùng của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển sâu hàng ngàn mét trong lòng đại dương mênh mông, trong sóng vỗ gầm gào, trong nước biển mặt chát như máu và nước mắt, như tình thương và uất hận dâng trào, “Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân/ Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình…”. Trong Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sự tĩnh lặng, trầm tư của lòng người và sự lặng im hiếm hoi của biển cả,… Trong những chiến sĩ đã yên mình dưới lòng biển cả đất mẹ thân yêu có những chàng trai binh nhất, binh nhì, khi hy sinh chưa tròn một tuổi quân, chưa một lần biết yêu. Những chàng trai tuổi hai mươi ấy đã hóa thành sóng nước với biết bao nhiêu ước mơ, những nhiệt huyết đam mê tuổi trẻ còn dang dở, đành gửi lại biển xanh cùng con sóng. Để hôm nay, những thông điệp về những giá trị sống được kết nối, hiện hữu và linh thiêng, hơn tất cả là sự biết ơn, sự thành kính và tiếc thương những đồng chí đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển sâu. Giữa biển cả gầm gào sóng vỗ, một vòng tròn Gạc Ma bất tử ghi dấu 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, các anh vĩnh viễn nằm lại với biển cả mênh mông, rộng lớn và sâu thẳm. Quên sao được hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương đã hy sinh khi tay không giữ cờ Tổ quốc: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”! Đúng, máu của các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa đã tô thắm cho lá cờ truyền thống của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Giữa bốn bề biển cả mênh mông sự hy sinh của các anh hòa vào làm thành bản anh hùng ca dạt dào tiếng sóng. Và chỉ giữa biển cả mênh mông này, mới thấu hiểu sự hy sinh đó thật lớn lao đến nhường nào! Vì thế, “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính” hải quân anh hùng. Họ đã dũng cảm vượt mọi khó khăn gian khổ, kiên trì, mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh, chủ động bình tĩnh xử lý các tình huống trên nguyên tắc chủ quyền biển, đảo là giá trị tối cao, sự hy sinh của các anh đã viết tiếp trang sử vàng của dân tộc. Tấm gương 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày nào như ngọn hải đăng, “vòng tròn bất tử” mãi soi sáng cho bao thế hệ hôm nay và mai sau ý nghĩa cao cả về giá trị sống, lương tâm và trách nhiệm với những người đã ngã xuống trên biển, đảo vì chủ quyền linh thiêng nơi vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc.
Trải nghiệm trong chuyến công tác Trường Sa, Đoàn mới hiểu rõ rằng, chủ quyền biển, đảo Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện hữu không chỉ từ phương diện lịch sử, những văn bia, bằng chứng lịch sử hết sức rõ ràng mà còn là những cột mốc xi măng vững chắc, chứa đựng thông điệp đanh thép về chủ quyền hợp pháp, không thể tranh chấp trên Biển Đông, những cột đá chủ quyền với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. Những cột đá chủ quyền nơi đoàn công tác đến thăm vừa mang tính biểu tượng của chủ quyền quốc gia trên đảo song những cột đá chủ quyền ấy còn được đúc bằng máu, mồ hôi, sự hy sinh của người chiến sĩ Hải quân và Nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Họ không chỉ tạo dựng cột mốc trên thực địa đứng vững trước bão tố phong ba theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng mà còn là cột mốc sâu thẳm về giá trị trong lòng mỗi chúng ta.
Đồng chí Đào Văn Phước - UVTV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, trưởng đoàn (áo đỏ) tặng quà cho chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn
May mắn được đến với Trường Sa, mới hiểu được sức mạnh của con người trên đảo thật quả cảm và khâm phục. Những cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo Trường Sa sống trong bão tố, thiếu thốn trăm bề, vậy mà vẫn có những con người cả đời gắn bó với biển, đảo, có những chiến sĩ, những chàng trai mười tám, đôi mươi đã vượt lên sóng cả, bảo tố gian nguy vẫn đang ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Các chiến sĩ Trường Sa vẫn đứng hiên ngang giữa bão tố phong ba để canh giữ từng mỏm đá, từng bãi san hô, giữ cho những ngọn hải đăng luôn sáng để thắp sáng cho chân lý chủ quyền là bất khả xâm phạm. Có đến, có đi Trường Sa mới thật sự nhận ra một tinh thần vững chắc, một nghị lực quả cảm của người Việt Nam, thật vĩ đại về một dân tộc anh hùng, mới cảm nhận hết cái hay, cái thực của bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây giữ gìn quê hương. Đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, viết tiếp bài ca, về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…” để tôn vinh và tri ân những người con đất Việt ở nơi “đầu sóng ngọn gió”.
Chuyến thăm chỉ diễn ra vội vã bởi phải phụ thuộc vào nước biển lúc triều lên và chia tay khi nước triều chưa kịp rút. Nhưng những món quà ý nghĩa trao tay, những lời ca, tiếng hát của văn nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ biến Trường Sa như không khí ngày hội; những cái bắt tay thật chặt và ấm áp tình quân dân, đôi khi là những giọt nước mắt, những xẻ chia với người lính đảo rắn giỏi, sạm nắng, mạnh mẽ nhưng cũng rất lạc quan yêu đời, đầy đam mê và khát vọng; Đoàn đã hát cùng với người lính đảo bằng cả trái tim mình và muốn gửi gắm đến chiến sĩ lời nhắn nhủ từ đất liền rằng các anh cứ yên lòng và kiên trung canh giữ biển đảo, hơn 100 triệu trái tim người dân đất Việt nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng luôn hướng về các anh, sẽ không thể có một thế lực nào có thể chia cắt giữa đất liền với biển, đảo xa xôi, rằng “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Tổ quốc Việt Nam”. Đến với Trường Sa, đến với những người lính đảo, được gặp gỡ những con người ở đây, họ đều cùng chung ý chí rất lạc quan, tự tin, mạnh mẽ, bằng nghị lực phi thường để chống lại giặc ngoại xâm, chống lại sự hà khắc của thiên nhiên, vững vàng như cây phong ba trên đảo để bảo vệ và giữ gìn vùng biển, đảo thân yêu. Ra tới Trường Sa, mới thật sự nhận ra niềm thiêng liêng và giá trị vô bờ của từng đảo chìm, đảo nổi. Thăm Nhà giàn DK Tư Chính mới thấy, thật khó tin về sức chịu đựng của con người bám trụ ở nơi đây, họ là những người có ý chí mãnh liệt để giữ gìn biển, đảo của Tổ quốc. Để giữ được Nhà giàn, những chiến sĩ ở đây đã thể hiện một tinh thần bản lĩnh kiên trung, trong đó, có nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh để giữ bằng được nhà giàn trên thềm lục địa và giữ được vùng biển đảo thiêng liêng mà ngàn đời tổ tiên để lại. Dường như “chưa bao giờ tôi thấy mình quá nhỏ bé, không phải trước biển bao la, mà trước sức sống kỳ diệu của dân tộc. Sức sống đó nhìn được bằng mắt, là hình ảnh của những điểm đảo, những nhà giàn giữa biển cả mênh mông. Ở đó, những chiến sĩ ngày đêm canh giữ, có những người dân kiên cường bám đảo, trước những rủi ro của phong ba, bão táp, trước nguy cơ xâm lược, tranh giành chủ quyền của ngoại bang, đã từng làm đổ máu bao người con đất Việt. Tôi cũng chưa bao giờ hồn nhiên quá đỗi, để cho nước mắt trào ra khi nhìn vào ánh mắt của những chiến sĩ trẻ trên đảo. Những ánh mắt trong veo, hồn nhiên, hiền lành như đất mẹ. Ánh mắt của sự cam chịu, vượt bao gian khó, mạnh mẽ và kiên cường,…” để chắc tay súng, bảo vệ những hòn đảo thân yêu của Tổ quốc.
Rời Trường Sa trở về đất liền chiều 14/5/2024, thành viên Đoàn luôn hướng về Trường Sa thân yêu, sẽ “không thể nào quên, những âm thanh cất lên vang vọng giữa biển khơi như nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ biển, đảo quê hương”. Trong phạm vi công tác của mình, các thành viên Đoàn sẽ kể cho cán bộ, người lao động, cho những ai chưa có cơ hội đến Trường Sa về một Trường Sa hùng vĩ, kiên cường, niềm tin và niềm kiêu hãnh của dân tộc, để cùng lắng đọng trong cảm xúc Trường Sa và thêm yêu hơn đất nước mình. Thật lưu luyến, nghẹn ngào lúc chia tay “khi đi mang đi tình cảm, khi về mang về niềm tin”, trong lòng cứ dâng trào một niềm cảm xúc mạnh mẽ về Trường Sa, thương lắm Trường Sa ơi và thầm mong mọi sự bình yên trên vùng biển đảo thân thương này, để “Trường Sa, Hoàng Sa luôn trong trái tim chúng ta!”./.
Nguyễn Thị Hồng Trang