Trong những năm Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ở Pháp cũng là lúc tình hình đời sống chính trị thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Quốc tế Cộng sản thành lập năm 1919. Năm 1919, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, vì theo cách nhìn nhận của Nguyễn Ái Quốc: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”[1]. Sự kiện này đánh dấu Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tham gia chính đảng Pháp.
Từ những thực tiễn, trải nghiệm đó đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm tòi, trăn trở hướng đi cho dân tộc Việt Nam; tìm kiếm những cơ hội để thực hiện mục tiêu, bắt đầu từ những yêu sách ôn hòa, giành quyền tự quyết cho dân tộc, đến quyền độc lập cho dân tộc, khi có cơ hội. Và một trong những dấu mốc đó là Hội nghị Versailles.
Trước khi Hội nghị Versailles diễn ra 10 ngày, ngày 18/6/1919, Nguyễn Tất Thành viết thư gửi Tổng thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson. Đầu thư, Nguyễn Ái Quốc viết: “Kính gửi Ngài Tổng thống Cộng hòa Hợp chúng quốc, Đại biểu ở Hội nghị hòa bình… Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam”[3]. Nội dung bản yêu sách của Nhân dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc gửi kèm theo thư cho Tổng thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson: “Từ ngày Đồng Minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của văn minh chống dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ. Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, Nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng Minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây: 1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong Nhân dân An Nam; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ. Đưa ra những yêu sách trên đây, Nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của Nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hòa, nên được gọi là những người bảo hộ cho Nhân dân An Nam. Khi Nhân dân An Nam nhắc đến sự “bảo hộ” của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào mà trái lại còn lấy làm vinh dự: Vì Nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình là tình bác ái toàn thế giới. Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với nhân loại. Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam. NGUYỄN ÁI QUỐC”[4].
Nguyễn Ái Quốc viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Thomas Woodrow Wilson ủng khát vọng độc lập, tự do cho Nhân dân An Nam (tức Việt Nam), đó là “tin tưởng ở độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền. Xin Ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi. Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam. NGUYỄN ÁI QUỐC. 56, phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ, Pari”[5].
Kỷ niệm 105 năm “thư gửi Tổng thống Mỹ” của Nguyễn Ái Quốc (18/6/1919-18/6/2024) về bản yêu sách của Nhân dân An Nam, gồm 08 điểm đề nghị Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ tối thiểu cho Nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách là tuyên bố chính trị đầu tiên của Nhân dân Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đã thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc và nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền tự quyết của các dân tộc, khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân tiến bộ toàn thế giới sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
1] Trần Dân Tiên (2015): Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, 2015, tr. 61
[2] Đặng Kim Oanh - Vũ Thị Ngọc Liên (2020), Bản yêu sách của nhân dân An Nam 100 năm với những âm hưởng hào hùng https://tapchilichsudang.vn/ban-yeu-sach-cua-nhan-dan-an-nam-100-nam-voi-nhung-am-huong-hao-hung.html
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.471
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.469-470.
[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.471.
Lê Quang Cần