Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) - Công lao, vai trò của Người trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)

19/05/2024 02:03:45 1316      Chọn cỡ chữ A a  

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình trí thức yêu nước, tại làng Hoàng Trù (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người có muôn vàn công lao, vai trò đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó, có giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Người mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

 

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-02/9/1969)

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng ra ra đời ngày 02/9/1945 chỉ được 21 ngày thì ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức xâm lược nước ta lần thứ hai. Nước ta năm đầu tiên sau cách mạng Tháng Tám phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách về chính trị “chính quyền non trẻ”, kinh tế nghèo nàn lạc hậu  “giặc đói”, văn hóa có hơn 90% dân số mù chữ “giặc dốt”, tệ nạn xã hội phổ biến, “tài chính trống rỗng”, kẻ thù thì đông và mạnh “thù trong giặc ngoài”,… đẩy nước ta vào tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong bối cảnh đó, Người đã cùng Trung ương Đảng “vững tay lái”, lãnh đạo Nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua “mọi thác ghềnh”; tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 02/03/1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

 

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai (28/10-9/11/1946) bầu ra (Ảnh tư liệu)

 

Ngày 03/11/1946, Người được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (11/1946-9/1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng ta, Nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tổng kết thực tiễn cách mạng đã khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, trong đó, công lao, vai trò của Người là vô cùng to lớn. Cùng với Trung ương Đảng, Người đã hoạch định, tổ chức và lãnh đạo quân, dân ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Pháp. Đường lối đó được xác định với nội dung cơ bản: “Kháng chiến, kiến quốc”, “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế".

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới năm 1950 (Ảnh tư liệu)

 

Ngay từ rất sớm, Người cho rằng “vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946, Người khẳng định rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm, dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[1]. Người và Đảng ta đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp xã hội trong Mặt trận dân tộc thống nhất, từng bước xây dựng một lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh, gồm ba thứ quân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Người xác định: “Mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào”, quyết tâm đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi công tác ở Việt Bắc năm 1951 (Ảnh tư liệu)

 

Với đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh…”, Người đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Người đã góp phần to lớn cho Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) từ việc hoạch định đường lối cứu nước chung đến việc chỉ đạo từng trận đánh, từng chiến dịch. Trong suốt thời gian chỉ huy chiến dịch, Người đã tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên cả các chiến trường phối hợp trong cả nước nhằm phục vụ cho việc giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Người là linh hồn của Đảng ta trong việc vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và là người chỉ đạo sát sao, giáo dục động viên, cổ vũ kịp thời quân, dân ta trong suốt cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 10/1953, Người chủ trì họp của Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Người chỉ đạo: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Người mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng, quân ta đã tiến công quân địch ở 05 hướng chiến lược ở những nơi hiểm yếu mà địch tương đối sơ hở. Người đã tặng cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” làm giải thưởng để khích lệ mọi người lập công. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức toàn diện nhất, quyết liệt nhất giữa ta và địch. Thắng, bại của quân dân ta trong chiến dịch này sẽ có ảnh hưởng lớn đối với dân tộc ta và nhân dân thế giới đang chiến đấu vì độc lập, tự do. Người căn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh,Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”[2]. Những lời dặn dò của Bác là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh. Trong thư gửi cán bộ và chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ, Người khẳng định: “Cán bộ và chiến sỹ ta phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh, quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi”[3]. Chính quyết tâm chiến lược của Người và Đảng ta “tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ” đóng vai trò rất to lớn và đã biến thành ý chí và hành động, sức mạnh tinh thần, quyết tâm chiến đấu của toàn quân và dân ta. Trong suốt thời gian diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13/3-7/5/1954) Người tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà trên khắp các mặt trận nhằm phục vụ cho thắng lợi Điện Biên Phủ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (Ảnh tư liệu)

 

Là lãnh tụ của dân tộc, đồng thời, là người chỉ huy tối cao của chiến dịch Điện Biên Phủ, Người không chỉ ân cần dạy bảo cán bộ, chiến sĩ ta những vấn đề rộng lớn, nói lên những chân lý lớn nhất của thời đại, những quan điểm cơ bản về chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn động viên, chỉ bảo cán bộ, chiến sĩ trong từng chiến dịch, từng trận đánh, từng việc làm và cách cư xử cụ thể. Người đã truyền cho quân và dân ta sức mạnh phi thường của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - một niềm tin sắt đá, một ý chí “quyết chiến thắng” vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm để giành thắng lợi hoàn toàn. Được sự chỉ đạo sát sao và được sự giáo dục, động viên, cổ vũ kịp thời của Trung ương Đảng và Bác Hồ, ngày 07/5/1954, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ sau 56 ngày chiến đấu liên tục đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Người trao tặng cho quân đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của quân đội Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của Nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người nói: “... Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của Nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay, chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công...”[4]. Tên gọi “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ” đi vào lịch sử nhân loại như những chiến công hiển hách của thế kỷ XX, là hồi chuông báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp xâm lược, thắng lợi đó buộc thực dân Pháp phải kỳ Hiệp định Geneve ngày 21/7/1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo tiền để nhân dân ta tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2024) đúng vào dịp cả nước vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), đang thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 113 năm Ngày Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Hiệp định Geneve được ký kết (21/7/1954-21/7/2024) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tự hào và biết ơn, thấm nhuần và khắc sâu những cống hiến vĩ đại, công lao và vai trò to lớn của Người; tăng thêm ý chí, nghị lực và trách nhiệm, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, góp phần khẳng định được uy tín ngày càng vững chắc trên trường quốc tế, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[5]. Qua đó, giúp chúng ta tin tưởng rằng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, là kim chỉ nam, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đạt được những kỳ tích vẻ vang hơn nữa để đưa dân tộc đi tới tương lai tươi sáng./.

-----

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (tập 4), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.534.

[2] Võ Nguyên Giáp (2000), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.66.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 286-287

[4] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng (2018), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.322 - 323.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   7836
  • Tháng hiện tại:   388711
  • Tổng lượt truy cập:   6675809