Kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024) - Phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

13/10/2024 06:56:28 907      Chọn cỡ chữ A a  

Cách đây 20 năm, ngày 20/9/2004, đồng chí Phan Văn Khải, UVBCT,  Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương năm 1946 (Ảnh tư liệu)

Nguồn gốc của Ngày doanh nhân Việt Nam có từ cách đây 79 năm về trước, ngày 13/10/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn “… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”[1].

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004, đồng chí Phan Văn Khải, UVBCT, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hằng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu: Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 09/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Về quan điểm, Bộ Chính trị khẳng định rằng: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị xác định: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển... Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân; Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Đến nay, sau 20 năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và 13 năm Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 09/12/2011 đi vào cuộc sống, thực tế đã khẳng định ý nghĩa lịch sử, giá trị và tầm nhìn của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, bức thư của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước. Quyết định số 990/QĐ-TTg, ngày 20/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa đường lối, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.

Qua 38 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh những cơ hội, đội ngũ doanh nhân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đã xuất hiện một làn sóng doanh nghiệp Việt Nam tự tin đầu tư ra nước ngoài, mua lại các doanh nghiệp nước ngoài. Tầm và thế của doanh nghiệp Việt Nam đã ở một tầm cao mới. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…”, trong đó, có đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đồng Nai tự hào là tỉnh có khu công nghiệp đầu tiên của cả nước, hiện nay có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 10,5 ngàn ha, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 01 khu công nghiệp trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư (khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành); 01 khu công nghiệp vừa được thành lập trong tháng 7/2023 (khu công nghiệp Long Đức 3), đồng thời, có nhiều doanh nhân uy tín, có thứ hạng quốc gia và quốc tế, như: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Diệp Nam Phương; Công ty CP Đầu tư Cảng Phước An; Công ty CP Cảng Đồng Nai; Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam;... 

Tối 10/10/2024, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu tại buổi họp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam tại TP Biên Hòa

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, "doanh nhân là uy tín của quốc gia, đất nước nào có đội ngũ doanh nhân mạnh, doanh nghiệp hùng hậu thì dứt khoát đất nước đó sẽ phát triển lớn mạnh. Đồng Nai luôn mong muốn đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ cột quan trọng của mảnh đất giàu tiềm năng này”.

-----

[1] Trích Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công thương được đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Lê Sơn

 

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   7546
  • Tháng hiện tại:   416524
  • Tổng lượt truy cập:   6703622