Kỷ niệm 30 năm “Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4)” và “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4)” - Đồng Nai tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

23/04/2025 05:55:44 93      Chọn cỡ chữ A a  

Sách cung cấp cho con người kho tàng tri thức về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Sách có vai trò rất quan trọng đối với việc mở rộng hiểu biết của con người và từ đó, góp phần phát triển thế giới. Sách là một sản phẩm kỳ diệu, là một trong những phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Đọc sách là một quá trình tích lũy và nâng cao tri thức, là cơ hội để mỗi người được tiếp cận với khối lượng tri thức khổng lồ như V.I.Lênin đã nói: “Không có sách, không có tri thức…”; sách chính là nguồn tri thức, là kết tinh tất cả những học thuyết có giá trị nhất, ghi lại toàn bộ lịch sử loài người; là di sản của đời trước để lại cho đời sau... Nhờ có sách mà con người đã tiếp thu được tri thức của nhân loại tích lũy trong quá trình lịch sử. Đọc sách không chỉ đơn thuần là một hình thức để tiếp cận thông tin, mà còn là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở; là một trong những hoạt động văn hóa, được gọi là văn hóa đọc.

Trên thế giới, đánh giá cao tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, trong Kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Paris năm 1995, UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày sách và bản quyền thế giới”, trong đó, nêu rõ mục tiêu và các thành phần tham gia ngày tôn vinh những giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ. Hưởng ứng chủ trương của UNESCO, trên toàn thế giới đã có hơn 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm “Ngày sách và bản quyền thế giới” với nhiều hoạt động thiết thực, thu hút được nhiều người tham gia. 

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học và ham đọc sách. Đó là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, sách vẫn còn nguyên giá trị, sách là nơi lưu trữ chủ yếu kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Trong đời sống tinh thần xã hội, sách đóng vai trò hết sức quan trọng, sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cánh cửa trí tuệ và tâm hồn của con người, là người thầy siêu Việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô tận, dạy con người biết sống, biết cư xử và biết hy sinh. Từ xa xưa, ông cha ta đã rất đề cao vai trò của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, và cho rằng “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Sách không chỉ là một kho kiến thức vô tận mà còn là kho của cải vô tận. Chỉ với những trang sách đó, thế hệ sau mới có thể hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, được kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh, hiện đại hơn. Sách chính là người thầy vĩ đại, sách mở rộng ra trước mắt những chân trời mới, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. Mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Sách giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương con người, cho ta hiểu biết về các giá trị văn hóa, xã hội và giá trị cuộc sống… kiến thức đó có trong thơ ca, những tác phẩm văn học, lịch sử, địa lý, triết học….

Sách và văn hóa đọc sách là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các loại hình đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo AI,… ngoài sách con người còn tiếp thu thông tin qua các phương tiện khác như: truyền hình, phim ảnh, Internet... Và những phương tiện nghe nhìn đó đang tỏ ra có nhiều ưu thế, hấp dẫn hơn so với sách, đang có xu hướng lấn át sách và thói quen đọc sách của người Việt đang bị mất dần, nhất là thế hệ trẻ. Nếu như trước kia, sách là một trong những món quà quý giá mà trẻ nhỏ háo hức, mong ước; thì nay những món quà đám trẻ mong muốn thường là các trò chơi điện tử, những chiếc điện thoại thông minh, những cuộc vui chơi giải trí… Từ đó, nhiều ý kiến tỏ ra bi quan về sự lụi tàn của văn hóa đọc, truyền thống quý báu ham đọc sách đang dần bị mai một. Văn hóa đọc, nhất là ở giới trẻ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, văn hóa nghe nhìn lướt đang ngày càng chiếm ưu thế văn hóa đọc và thói quen đọc sách đang bị mất dần, mặc dù giữa phương thức đọc và nghe nhìn có sự khác nhau. Xét về bản chất, cùng một thông tin tiếp nhận nhưng đọc và nghe - nhìn văn hoá đọc và văn hóa nghe - nhìn thuộc hai cấp độ khác nhau. Đọc sách đòi hỏi trí tưởng tượng và khả năng tập trung cao hơn so với nghe nhìn (chỉ lướt qua, xem hình ảnh, tin ngắn, ấn tượng được lưu lại không nhiều, tri thức tiếp nhận không sâu sắc, toàn diện). Đọc sách là một quá trình suy ngẫm, bồi dưỡng tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc; còn nghe nhìn bị hình ảnh, âm thanh với tốc độ trôi đi nhanh chóng, nhiều lúc không kịp để suy ngẫm. Chính vì thế mà văn hóa đọc đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá và tiếp thu tri thức một cách hệ thống và sâu sắc mà văn hóa nghe, nhìn khó có thể làm được. Sự tích lũy về văn hóa, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, cách sống... chủ yếu thông qua việc đọc. Đọc sách còn giúp ta phân biệt người này với người khác, rộng hơn là làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác một cách sâu sắc và toàn diện; còn văn hóa nghe nhìn lướt thì mang tính toàn cầu, tính giải trí. Vì vậy, trong nhận thức, chúng ta không nên phủ nhận, hoặc quá đề cao một phương thức nào đó một cách cực đoan, mà phải thấy được chúng đều là những loại hình văn hóa lành mạnh chỉ bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu lẫn nhau. Từ đó, dù các phương tiện nghe nhìn, Internet... có phát triển mạnh mẽ đến đâu thì văn hóa đọc và sách vẫn được xem là một kênh tiếp nhận thông tin quan trọng của con người.

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, để phát huy truyền thống hiếu học và ham đọc sách của dân tộc ta, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Mục đích của Ngày sách Việt Nam là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Tỉnh Đồng Nai tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Chính vai trò quan trọng của sách đối với mỗi con người nên các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hằng năm đã và đang diễn ra sôi nổi tại các địa phương sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh sách, khơi gợi tình yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc cũng như phong trào đọc sách trong Nhân dân, làm phong phú đời sống tinh thần, từ đó, nâng cao kiến thức và làm chủ cuộc sống của chính mình, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Việc nâng cao ý thức tự giác đọc sách là phương pháp tự học, tự rèn hiệu quả nhất, thiết thực nhất, giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống…. Đồng thời, việc nhận thức được giá trị, tầm quan trọng của sách góp phần phát huy truyền thống hiếu học và đam mê đọc sách của dân tộc ta. “Chưa từng có ai không học mà lại thành công cả”, mà đọc sách là phương pháp tự học, tự rèn hiệu quả nhất, là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Nhìn vào tấm gương đọc sách của Bác Hồ, các chiến sĩ Trường Sa, những bậc vĩ nhân, những nhà trí thức, những tỷ phú thế giới,… chúng ta mới thấy được vai trò của Sách. Trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ có sách mà Người đã có thêm nhiều hiểu biết về những nước đã đi qua. Người còn tìm đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng qua những trang sách. Đó cũng là vũ khí đắc lực để Người truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản về nước, cổ vũ Nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở Trường Sa, sách có vai trò quan trọng, là người bạn thân thiết, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tỉnh Đồng Nai hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), tỉnh Đồng Nai đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần yêu sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Năm nay, sự kiện Ngày Sách và văn hóa đọc năm nay đặc biệt hơn khi diễn ra trong chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - Một dấu mốc lịch sử thiêng liêng, thể hiện khát vọng độc lập, tự do và sự đoàn kết của toàn dân tộc. Không chỉ tôn vinh giá trị của sách, lan tỏa văn hóa đọc, mà qua ngày sách còn góp phần đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá những cuốn sách hay, có giá trị đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ IV năm 2025 quy tụ các gian hàng sách đến từ Thư viện Đồng Nai, Nhà xuất bản Đồng Nai, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, thư viện của thành phố Biên Hòa và các huyện: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Trảng Bom, Định Quán; Thư viện trường Đại học Lạc Hồng, với các hoạt động: Trưng bày, xếp sách nghệ thuật; Đọc sách thông minh; Giao lưu cùng nhà văn, nhà thơ,… Đặc biệt bạn đọc sẽ được trải nghiệm không gian triển lãm công nghệ thực tế ảo “Hồi ức 50 năm - Hành trình thống nhất non sông” qua hệ thống màn hình tương tác và kính VR,… Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 ở Đồng Nai diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm hình ảnh tư liệu kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kéo dài đến hết tháng 4/2025 tại sảnh Thư viện tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh trao cờ cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2025

Có thể thấy, không khí hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 tại Đồng Nai rất rộn ràng, phấn khởi. Các hoạt động trưng bày sách, tọa đàm, giao lưu tác giả - bạn đọc thu hút đông đảo người dân quan tâm, tham gia. Qua đó, tinh thần yêu sách và thói quen đọc sách được lan tỏa trong từng người, từng gia đình, trường học và địa phương. Thư viện Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trưng bày và giới thiệu hàng ngàn đầu sách với mong muốn mang đến những cuốn sách có giá trị, mới, phù hợp với thị trường lao động hiện nay, phục vụ cho những người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Ngoài xếp sách nghệ thuật chủ đề Con thuyền tri thức và Hoa sen dâng Bác tại Thư viện Đồng Nai, tỉnh còn chủ trương đẩy mạnh đưa sách về các xã, thị trấn và phục vụ thư viện lưu động trong hệ thống trường học. Từ nay đến cuối tháng 4, thư viện huyện tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm và Hội thi Xếp mô hình sách trong trường học; đồng thời, trao tặng sách cho học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với đó là các hoạt động nói chuyện về sách, tặng sách quý, sách hay, bán sách giảm giá… cũng được tổ chức thường xuyên từ ngày 24/4 đến ngày 01/5.

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   11839
  • Tháng hiện tại:   333020
  • Tổng lượt truy cập:   6620118