Giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975) có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. 50 năm qua, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tháng 10/1974, Bộ Tư lệnh Hải quân và một số tướng lĩnh nữa đề đạt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch giải phóng Trường Sa và được Đại tướng đồng ý. Cuối năm 1974, Cục Tác chiến phối hợp Cục Quân báo đánh giá tình hình ngụy quyền Sài Gòn, địch đã suy yếu rõ rệt trên mọi hướng, trong đó có cả hướng biển. Nhưng phải đến cuối tháng 3/1975, ý tưởng này mới trở thành chủ trương chiến lược. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết: Sau giải phóng Buôn Mê Thuộc, ngày 24/3/1975, đồng chí Lê Hữu Đức lúc đó đang là Cục trưởng Cục Tác chiến đã báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu chủ trương đề nghị nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa do quân ngụy đang chiếm giữ. Bộ Tổng Tham mưu nhất trí và đề nghị lên Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị.
Ngày 25/3/1975 là một ngày lịch sử, khi chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Nam - Ngãi còn chưa kết thúc, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, nhận định: Địch dù quyết “tử thủ” vẫn không thể giữ nổi Đà Nẵng, thời cơ chiến lược đã tới, trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Cũng tại cuộc họp này, Quân ủy Trung ương đưa ra một kiến nghị đặc biệt, được Bộ Chính trị ghi bổ sung vào nghị quyết: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ". Ngay sau cuộc họp, theo Chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục Tác chiến đã cử cán bộ sang Bộ Ngoại giao xin cung cấp tài liệu, bản đồ về các đảo, quần đảo Việt Nam và chuyển lệnh của Bộ Tổng Tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân phái ngay sở chỉ huy tiền phương vào Đà Nẵng, vừa tiếp quản căn cứ hải quân ngụy, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên biển, giải phóng các đảo của ta.
Bộ đội Trung đoàn 126 Hải quân trên đảo Song Tử Tây được giải phóng ngày 14/4/1975
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi, đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch được lệnh ra Thủ đô Hà Nội báo cáo. Trong buổi làm việc với đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dành thời gian truyền đạt kỹ hơn tinh thần chỉ đạo của Thường trực Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh về việc giải phóng các đảo trên Biển Đông, trong đó, đặc biệt lưu ý việc giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa.
Sau khi bàn bạc thống nhất với Quân ủy Trung ương và Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn, 17 giờ 30 phút, ngày 04/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức “mật điện” số 990B/TK, sau đó hỏa tốc chuyển đến đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân, Tư Lệnh Quân khu 5. Cùng thời điểm này, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát đang có mặt tại Đà Nẵng cũng nhận được mật điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Nguyễn Bá Phát nhanh chóng trao đổi với Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái, yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước.
Trên tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khoảng 04 giờ, ngày 11/4/1975, biên đội ba tàu 673, 674, 675 chở đặc công hải quân và một bộ phận lực lượng của Quân khu 5 vượt biển làm nhiệm vụ. Với phương châm “bí mật, bất ngờ, kiên quyết, thần tốc, táo bạo, kết hợp tiến công và gọi hàng, giải phóng đảo nhanh gọn”, Rạng sáng ngày 14/4/1975, các chiến sĩ Hải quân đã bí mật đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Đến 04h30, ngày 14/4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Tiếp đó, trong tháng 4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và đến 9h sáng 29/4/1975, đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã chiến đấu, làm chủ đảo Trường Sa Lớn và giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa.
Bộ đội Đặc công hải quân Đoàn 126 trên đảo Trường Sa được giải phóng, ngày 29/4/1975
Giải phóng Trường Sa ngay trước ngày giải phóng Sài Gòn là một chiến công mang tầm chiến lược trong đại thắng mùa Xuân 1975. Thắng lợi này đã để lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay:
Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp. Việc Quân chủng Hải quân mở đợt tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, phối hợp các cánh quân trên bộ trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, thần tốc, quyết thắng trên khắp các chiến trường.
Hai là, chớp thời cơ có lợi. Đầu năm 1975, trước sức tiến công mạnh mẽ của quân ta trên chiến trường miền Nam, nhất là, ở các chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên…, sức mạnh của quân ngụy ngày càng suy yếu và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Tinh thần chiến đấu của binh lính và sĩ quan địch trên tàu, trên đảo rất hoang mang, dao động. Đây chính là thời cơ thuận lợi để ta tiến công giải phóng Trường Sa mà không cần phải huy động một lực lượng quá lớn, đồng thời hạn chế được tổn thất.
Ba là, nắm chắc âm mưu của địch. Bộ Tổng Tham mưu đã nắm được ý đồ của ngụy quyền Sài Gòn và gửi điện chỉ đạo Quân chủng Hải quân: “Theo tin nhận được, địch có thể rút lực lượng khỏi Trường Sa, ta nhanh chóng đánh chiếm, không để các lực lượng khác vào đánh, Hải quân không có tàu thì dùng tàu dân”.
Phát huy bài học nêu trên, trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, Quân chủng Hải quân đã và đang tích cực đổi mới phương pháp để nâng cao khả năng nắm bắt, đánh giá, dự báo sớm và chính xác tình hình trên biển, nhất là ở các khu vực biển trọng điểm, trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng những đối sách xử trí kịp thời, chính xác, linh hoạt các tình huống, không để bị động, bất ngờ, vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa giữ được hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Huy Dương