Trong những ngày tháng 3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước để “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Mặc dù bận trăm công ngàn việc như thế, nhưng Người luôn trăn trở, lo lắng, quan tâm đến nền hành chính công vụ nước nhà để chuẩn bị mọi điều kiện cho khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược kết thúc. Vì vậy, Người viết bài “Chống nạn giấy tờ” đăng trên báo Nhân Dân số 170 ra ngày 06/3/1954 với bút danh C.B vừa đánh giá thực trạng nền hành chính phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vừa “kê đơn”, “bốc thuốc” để chữa bệnh “nạn giấy tờ” nhằm thực hiện các mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước là xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Theo đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nạn giấy tờ” đã làm hỏng tác phong, tư tưởng cán bộ, khiến cán bộ xa rời công tác thực tế, hiệu quả không thiết thực; làm hao công, tốn của của Nhân dân; là hiện tượng tai hại của bệnh quan liêu, nguồn gốc của tham ô, lãng phí. Người yêu cầu cán bộ phải thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ, đó là, cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Do đó, Người nêu thực trạng nền hành chính công vụ nhà nước: “Từ các bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như: Bộ Nội vụ: Một bản thông tin (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang… Bộ Tài chính: Riêng Vụ Ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo hơn 10 trang; bản thống kê dài 53 cột…”[1].
Trong bài viết này, Người đã nêu một số công việc của biểu hiện “nạn giấy tờ” trong Bộ Canh nông, đó là “Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó, nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm năm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột. Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ. Không đúng nguyên tắc: Có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký mới đúng. Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được, phải trả lại. Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển, mà nói cả những điều cần giữ bí mật”[2].
Trên cơ sở nêu thực trạng “nạn giấy tờ” của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguyên nhân của nó: “Vì không sát thực tế, không gần gũi quần chúng. Cán bộ chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị, thông tư… Nhưng không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị, là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc, giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế”[3]. Từ chỗ “bắt bệnh” nêu nguyên nhân của “nạn giấy tờ” ở các cơ quan, đơn vị, Người đã “kê đơn”, “bốc thuốc” để chữa căn bệnh này đó là: “Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên”[4] trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Qua sự phân tích thực trạng, nguyên nhân của “nạn giấy tờ”, tác hại của nó đến quyền lợi, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cơ quan, đơn vị cấp dưới, người dân, cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận về việc “chống nạn giấy tờ” đó là “Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của Nhân dân, nó cũng làm hư hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ. Nó là di tích của đế quốc và phong kiến, là hiện tượng tai hại của nạn quan liêu. Mà nạn quan liêu là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí”[5]. Từ đó, Người đại diện cho mọi người dân với mong muốn: “Các chi bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”[6] trong phòng, “chống nạn giấy tờ” đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ngày nay, những lời răn dạy ấy của Người về “chống nạn giấy tờ” càng mang tính thời sự sâu sắc. Vận dụng tư tưởng này của Người vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân để đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững. Cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đẩy nhanh hiệu quả công việc, tránh quan liêu, hình thức, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị.
Năm 2024, kỷ niệm 70 năm (06/3/1954-06/3/2024) bài viết “Chống nạn giấy tờ” của Người càng có ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân hiện nay, là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những nội dung lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới...; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống TN,TC, quan liêu, hách dịch, cửa uyền; thực hành tiết kiệm là những giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong hiện tại và tương lai.
[1], [2], [3], [4], [5], [6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8. Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.424, 424, 425, 425, 425, 425
Lê Quang Cần