Sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài khắp các nước năm châu, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa II), Người cùng Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của địa chủ, thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc... Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được thành lập (Mặt trận Việt Minh). Kể từ thời khắc lịch sử đó, “hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước, hai chữ Việt Minh còn mãi mãi trong lịch sử, chói lọi nét vàng”[1].
Việc thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh theo quyết định của Hội Nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa II) là kết quả của quá trình lãnh đạo, đúc rút kinh nghiệm cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi thành lập (1930) đến tháng 5/1941. Mặt khác, đó cũng là kết quả trực tiếp của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng cho phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới, từ sau khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Với sự ra đời của Việt Minh, tư duy về vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng đạt tới một đỉnh cao mới, mở đường dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Để rộng đường kêu gọi toàn thể Nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung, ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Trong bản Tuyên ngôn, Mặt trận Việt Minh khẳng định: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”[2]. Đồng thời, đi vào cụ thể, Chương trình cứu nước của Việt Minh có 10 điểm, gồm những điểm chung cho toàn thể dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng tựu chung lại, 10 điểm ấy cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào Việt Nam đang mong muốn: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho Nhân dân Việt Nam được hưởng sung sướng tự do, như lời bài ca tuyên truyền của Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết đã chỉ rõ: “Có mười chính sách bày ra/ Một là ích quốc hai là lợi dân”[3].
Chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng toàn dân của Đảng và Mặt trận Việt Minh ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh trên cơ sở thực tiễn tình hình và yêu cầu của cách mạng. Từ cuối năm 1942, phe đồng minh đã giành những thắng lợi quyết định trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Trước sự chuyển biến của thời cuộc, từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Từ những đánh giá đúng đắn về thái độ chính trị của các đảng phái trong nước bấy giờ, Hội nghị cũng đã ra các “nghị quyết đặc biệt”[4] như sau:
1. Đối với Đại Việt và các đoàn thể Việt gian khác: “Đảng phải ra sức vạch rõ tội ác của các hạng Việt gian thân Nhật, thân Pháp, đặc biệt phải ra tài liệu kịch liệt đả phá chương trình bán nước của bọn Đại Việt và những khẩu hiệu “Pháp - Việt hợp tác”, “Pháp - Việt phục hưng” của bọn Việt gian thân Pháp”.
2. Đối với “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội”: “Đảng ta phải hết sức vận động cho “V.N.C.M.Đ.M.H.” và “Việt Nam độc lập đồng minh” hợp lại làm một, đặng mau tập trung lực lượng cách mạng Việt Nam đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp”.
Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Liễu Châu (Quảng Tây - Trung Quốc) từ ngày 25-28/3/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước” nhằm kêu gọi tinh thần đoàn kết của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng kề vai, sát cánh đánh đuổi kẻ thù chung là phát xít Nhật, thực dân Pháp để giải phóng quê hương, đất nước. Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải về việc các đoàn thể trong nước tham gia Đồng minh hội, đặc biệt nhấn mạnh tinh thần đoàn kết nhằm phát huy sức mạnh của nó vì sự nghiệp cách mạng dân tộc đó là: “Có người nói: Ở Việt Nam có quá nhiều đảng phái. Lại có người nói: Ở Việt Nam chẳng có đảng phái nào. Dù điều họ nói đúng hay không đúng, đều làm cho những người hoạt động ở trong nước phấn khởi, vì điều đó chứng tỏ rằng ở trong nước chúng tôi đã giữ được bí mật, cần biết rằng: Quân thù không sợ cái gì, chỉ sợ Nhân dân Việt Nam đoàn kết… Có người cho rằng đảng phái ở Việt Nam quá nhiều, đó là một ấn tượng không tốt. Kỳ thực không phải như thế. Tại sao vậy? Chúng ta mất nước đã hơn tám mươi năm, kẻ thù của chúng ta là hai tên cướp hung ác ở phương Đông và phương Tây, chúng dùng nọc độc thuốc phiện, giáo dục nô lệ, chính sách trường kỳ khủng bố và nhiều chính sách thâm độc khác, hòng làm tê liệt sự hiểu biết của chúng ta, hòng tiêu diệt tinh thần dân tộc và đè bẹp nghị lực đề kháng của chúng ta”[6].
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thông tin thêm đến các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài biết về tình hình các đảng phái, đoàn thể ở trong nước để cùng nhau đoàn kết, phối hợp giữa lực lượng cách mạng trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự xâm lược của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Người nói: “Ở trong nước, không chỉ các chính đảng, mà cả đoàn thể không đảng phái, thậm chí các hình thức tổ chức như các tổ tương trợ cũng phải hết sức giữ bí mật mới không bị phá hoại và mới có thể tồn tại được. Do đó, không những người ở nước ngoài mà ngay cả người ở trong nước cũng ít biết được tình hình các đảng phái. Theo tôi được biết, những chính đảng cũ và ít nhiều có thế lực, cả thảy có sáu đảng: Đảng Xã hội (thành lập tám năm nay); Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập mười tám năm nay); Việt Nam Tân Quốc dân Đảng (thành lập mười ba năm nay); Đảng Cộng sản Việt Nam (thành lập mười bốn năm nay); Đảng Lập hiến (thành lập hai mươi năm nay); Đảng Bảo hoàng (thành lập khoảng mười năm nay). Những đoàn thể không đảng phái, có: Đoàn Thanh niên phản đế; Hội Phụ nữ giải phóng; Hội Công nhân; Hội Nông dân. Hiện nay, các đoàn thể trên có thêm hai chữ “Cứu quốc”, và Việt Nam độc lập đồng minh”[7] đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh thông tin đến các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài về các tổ chức đảng phái, đoàn thể trong nước, Bác Hồ còn đánh giá vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên chống phát xít, thực dân giải phóng dân tộc. Người nói: “Trong những chính đảng kể trên, nổi bật nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyên nhân rất đơn giản. Quân thù mong muốn nước ngoài đồng tình với chính sách khủng bố của chúng, nên chúng quy tất cả các phong trào chống đối ở trong nước, thậm chí cả những hành vi bỉ ổi như phá nhà, cướp của đều đổ tội cho Đảng Cộng sản… Người Việt Nam có sợ Cộng sản không? Không. Cả nước Việt Nam chúng ta, không có một nhà băng nào là của người Việt Nam, không có một người Việt Nam nào là nhà tư bản lớn. Tài sản của chúng ta, một lần đã bị “cộng” cho giặc Pháp, một lần bị “cộng” cho giặc Nhật, còn có cái gì để mà “cộng” nữa?”[8]. Từ sự phân tích tình hình các đảng phái, tổ chức quần chúng cách mạng trong nước, sự áp bức, bóc lột dã man của phát xít Nhật, thực dân Pháp, mà mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ phải oằn mình chịu cảnh “một cổ hai tròng” của đế quốc, thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận bài phát biểu của mình bằng sự đúc kết thiết thực, cụ thể là “hiện nay ở trong nước không cần nêu khẩu hiệu “đoàn kết các đảng phái”, vì điều này đã trở thành hiện thực, mà cần mở rộng khối đoàn kết toàn dân tộc để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ sự giúp đỡ của các nước đồng minh, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”[9] ở Việt Nam.
Ngày nay phát huy lời dạy năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết, thống nhất của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách như Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị “về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (NVNONN), xác định “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị “về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, trong đó xác định cộng đồng (NVNONN) là “nguồn lực quan trọng”, yêu cầu “khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[10]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng căn dặn: “Đi đâu thì cũng phải nghĩ ta là “con Lạc cháu Hồng”, làm gì thì cũng phải nghĩ mình là người Việt Nam... Con người sống với nhau có tình, có nghĩa, nhân ái, đoàn kết và góp phần quảng bá Việt Nam, con người, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài...”[11]
Năm 2024, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tròn 80 năm (1944-2024), để lại cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau hướng về công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
[1] Hoàng Quốc Việt (1975), Ánh sáng mới từ Pác Bó, Đầu nguồn (tập hồi ký), Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.17
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng 1930-1945, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.271-272
[3] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.158
[4] Vũ Thị Kim Yến (2020), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh trong mối quan hệ với các Đảng phái chính trị trước Cách mạng tháng Tám 1945 (http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-mat-tran-viet-minh-trong-moi-quan-he-voi-cac-dang-phai-chinh-tri-truoc-cach-mang-thang-tam-1945-2889)
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.808-810
[6], [7], [8], [9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.490; 491; 491; 493
[10] Ngô Hướng Nam - và cộng sự (2023), Phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/866502/phat-huy-hieu-qua-nguon-luc-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-nham-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-dat-nuoc-den-nam-2030-theo-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx#
[11] Nguyễn Phú Trọng (2023), Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 775
Lê Quang Cần