94 năm qua (14/10/1930-14/10/2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lớp lớp cán bộ, hội viên nông dân trong cả nước đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đầu năm 1920, các cuộc khởi nghĩa của nông dân bị dập tắt, xã hội nước ta phân hóa mạnh mẽ, đời sống nông dân dưới thời Pháp thuộc vô cùng nghèo khổ. Chính sự áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai đã khiến cho người nông dân nhận rõ bộ mặt thực của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp. Trong cuốn "Đường Kách mệnh" (năm 1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “Tổ chức nhau lại”. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đã dành riêng một chương phân tích về tình hình nông dân Việt Nam và tầm quan trọng của “Tổ chức dân cày”. Ngày 01/11/1929, Báo “Dân cày” số đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được phát hành, nội dung tố cáo sự bóc lột dã man của thực dân, kêu gọi Nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đế quốc và đánh đổ tay sai. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương. Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 03/02/1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân, đó là “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''. Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập, tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
Qua cao trào cách mạng 1930-1931, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở được hình thành ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân, từng bước giành thắng lợi. Chỉ tính từ tháng 05/1930-10/1930 cả nước có 53.000 hội viên, nông hội. Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) họp tháng 10/1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị. Luận cương nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương (hơn 90%), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Hội nghị còn ra Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Trong đó, nêu rõ các quyết định quan trọng của Hội nghị, một trong các quyết định đó là “Phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội”. Tại hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I) đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương. Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của HND Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập HND Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống của HND Việt Nam, những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 228-KH/TU, ngày 20/02/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông thôn mới (NTM) tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025 và một trong 05 lĩnh vực đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; Kế hoạch số 333-KH/TU, ngày 20/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HND Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện nay là 148,038 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh cấp là 50 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025), phát vay cho 2.880 hộ với 336 dự án nhóm hộ. Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét; diện mạo nông thôn trong tỉnh có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 106/120 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 30/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 54 khu dân cư kiểu mẫu; có 02 huyện là Xuân Lộc và Định Quán đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao; trong đó, huyện Xuân Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; 03 huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu cơ bản hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024, hiện trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ.
Đ/c Hồ Thanh Sơn – PBTTT Tỉnh ủy làm việc Đảng đoàn Hội Nông dân
Các cấp HND đã phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Các phong trào thi đua do Trung ương Hội, Tỉnh Hội phát động và hưởng ứng đã được lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 114.807 hội viên (đạt tỷ lệ tập hợp 88,68%); trong đó, 96.405 hội viên thường xuyên (chiếm 83,97%), 56.843 hội viên nòng cốt (chiếm 49,5%), 15.349 hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số và người Hoa (chiếm 13,4%), 54.169 hội viên là đồng bào có đạo (chiếm 47,2%). Có 81.420 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2024, hỗ trợ cho 270 hộ khó khăn với 1.385 ngày công, hỗ trợ vật tư (cây, con giống), lương thực... Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nổi bật với những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ xã Sông Thao, huyện Trảng Bom; mô hình trồng dưa leo hướng hữu cơ xã Bàu Hàm.
Ngân Thu