Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát huy truyền thống “hiếu học”, xây dựng nền tảng vững chắc, tạo tiền đề đưa đất nước vươn tầm trong kỷ nguyên mới

20/11/2024 14:09:19 561      Chọn cỡ chữ A a  

Truyền thống hiếu học, "tôn sư trọng đạo", quý trọng hiền tài,... là những truyền thống tốt đẹp, mang những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta và là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy;Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước mong;Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai;Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên; “Không thầy đố mày làm nên”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... Trong ngày này, mỗi người đều thấy tự hào, nghĩ về thầy cô, trường lớp nhiều hơn với những kỷ niệm không thể nào quên được, ngày thiêng liêng, thể hiện tình cảm, sự trân trọng, yêu quý, tự hào với các thầy cô giáo - những “kỹ sư tâm hồn”, khẳng định truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người Thầy vĩ đại của dân tộc luôn đánh giá cao vai trò của thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục. Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”; “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”; “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”... Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, “người thầy” cũng luôn ý thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm “trồng người” của mình, như Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”, bởi đối tượng và sản phẩm của thầy cô giáo chính là sự phát triển “nhân cách con người”. Thầy cô giáo đóng vai trò chủ đạo trong quá trình định hướng, truyền thụ tri thức, giúp người học hình thành nhân cách, biết đối nhân xử thế, rèn luyện đạo đức, lối sống tốt đẹp, có tư duy, kỹ năng sống, khả năng thích ứng nghề nghiệp, sự thay đổi của cuộc sống,… Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, cống hiến thầm lặng, lan tỏa, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho các thế hệ học trò. 

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ, đóng góp rất quan trọng. Có biết bao tấm gương nhà giáo Việt Nam mẫu mực làm rạng danh đất nước. Dù trong hoàn cảnh nào, nhà giáo vẫn nêu cao “tấm gương tiết tháo, giàu sang không mềm lòng đổi trắng thay đen, uy vũ không khuất phục, suốt đời sống chết với nghề dạy học”, tự hào với danh hiệu “kỹ sư tâm hồn” và giữ vững phẩm chất trong sạch là “tấm gương sáng về tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo”. Tuy những thầy cô giáo nổi tiếng, mẫu mực chẳng được khắc bảng vàng bia đá, không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...", tên tuổi của họ vẫn được khắc ghi trong tâm trí mỗi người con đất Việt.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) và trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngành GD&ĐT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tôi luyện lý tưởng, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão…, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Có những “người thầy” đã làm nên lịch sử của dân tộc như thầy giáo Nguyễn Tất Thành từ mái trường Dục Thanh mang lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá dấn thân đi tìm đường cứu nước, cứu dân; thầy giáo Võ Nguyên Giáp quyết định buông tay phấn, gia nhập Mặt trận Việt Minh, cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đó còn là bao thế hệ thầy cô cùng các em sinh viên xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu... Trong công cuộc đổi mới, ngành GD&ĐT đã không ngừng phát triển, đổi mới về tư duy, nhận thức và phương thức; cả quy mô và chất lượng dạy và học, đóng góp to lớn cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.

Ngày 15/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Dự buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành GD&ĐT có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc. Hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược để lại là hơn 90% dân số mù chữ (năm 1945), nhưng với chủ trương sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Bình dân học vụ”, cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục các cấp và thực hiện nội dung “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc. Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau gần 40 năm đổi mới đất nước. Chính truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, nền tảng giáo dục, lòng yêu nước, tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ để vươn lên, càng áp lực lại càng nỗ lực vượt qua, để đưa nước ta từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh đã chuyển mình thành nước có quy mô kinh tế thứ 34 thế giới năm 2023; từ một nước phải chống “giặc đói, giặc dốt”, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và xếp hạng 59 thế giới về chất lượng giáo dục; nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngành GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học. Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới. Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng người tham gia học tập ở bậc Đại học và sau Đại học tăng lên. Lực lượng giảng viên có trình độ cao ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, tiếp cận với trình độ quốc tế.

Hiện nay, trên cả nước có 241 trường Đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Đáng chú ý, ngành GD&ĐT cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số.

Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai. Ngành GD&ĐT Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, việc đối mặt với thách thức là không tránh khỏi. Thầy cô giáo không lảng tránh, không sợ hãi, mà phải đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn. Trí tuệ nhân tạo không và không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế. Với trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới, ngành GD&ĐT cần coi chúng là những công cụ sắc bến và hữu hiệu mới. Công cụ và vũ khí càng sắc bén lợi hại, thì càng cần người sử dụng chúng có năng lực tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn để chế ngự, để sử dụng. Nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức “truyền thụ một chiều”, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức, không trang bị tri thức cần thiết cho người học. Cơ sở dữ liệu lớn không thay được cho cơ sở dữ liệu tuy nhỏ nhưng nó tồn tại chủ động nơi và trong người học và thực sự thuộc về bên trong người học, được chuyển hóa bởi sự tiếp nhận và qua tư duy của người học. Cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trước mắt là 4.0, 5.0 và nhiều nữa trong tương lai.

Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta. Đứng trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới, cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn. Thách thức lớn càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới.

Những giá trị từ truyền thống “hiếu học, trọng học” như “học không biết chán, dạy không biết mỏi”, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại. Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc. Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.

Nếu như xưa kia, các bậc hiền tài “nguyên khí quốc gia” chỉ trông ngóng, ước ao làm sao gặp được đấng minh quân biết trọng kẻ sỹ, mến mộ hiền tài, để có cơ hội thi thố, đem tài năng đức độ và nhiệt huyết cống hiến cho vua, cho dân cho nước, để lại danh thơm còn mãi với non sông. Nhưng cũng không ít người trong số các danh sĩ xưa phải ẩn dật lánh đời, hoặc ôm theo mộng kinh bang tế thế về chốn người hiền. Ngày nay, tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, GD&ĐT luôn được lãnh đạo của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu: Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã khẳng định đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định việc đổi mới; Kết luận số 91-KL/TW của Trung ương tiếp tục khẳng định quan điểm ưu tiên, tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và Nghị quyết số 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới cũng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp nguyên khí quốc gia và phát triển bền vững, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội”. Với các chủ trương lớn này, lực lượng trí thức, các nhà giáo, hoạt động giáo dục và khoa học - công nghệ được đặt ở vị trí vinh dự đi đầu - vị trí được coi trọng chưa từng có trong lịch sử. Đây là thời cơ lớn cho sự phát triển của ngành GD&ĐT, thời cơ lớn cho các nhà giáo, các bậc tri thức cần thể hiện hết mình, thi thố tài năng, tất cả vì sự phát triển của quốc gia dân tộc.

Cùng với cả nước, ở tỉnh Đồng Nai trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp và đạt nhiều thành tích nổi bật. Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Chất lượng GD&ĐT ngày càng được nâng cao.

Ngày 16/11/2024, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của nhà trường trong suốt 30 năm hình thành và phát triển. Trước những yêu cầu đổi mới toàn diện về giáo dục, trong xu thế hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nhà trường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: “Tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục tích cực thực hiện tốt cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phấn đấu mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo. Với khẩu hiệu của nhà trường: “Tri thức ở đâu chúng tôi vươn cao tới đó”, tôi mong quý thầy giáo, cô giáo không ngừng nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, trang bị nhiều kỹ năng khác để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn mới".

Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chất lượng giáo dục mũi nhọn. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị trong trường học, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh, giúp học sinh mở mang kiến thức, phát triển được các phẩm chất và năng lực cần thiết. Nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy học ngoại ngữ, thực hiện có hiệu quả việc đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh về ngoại ngữ trong nhà trường. Các cấp, các ngành quan tâm đến công tác huy động các nguồn lực để hiện đại hóa cơ sở vật chất của nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh”. Đồng thời, căn dặn các em học sinh Nhà trường cần tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước ra sức học tập, rèn luyện để trở thành những học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực xuất sắc và không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, lao động, cống hiến để có thể trở thành hiền tài, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước, cho tỉnh nhà.

Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập Nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu cùng với cả hệ thống chính trị thì cũng đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, quyết tâm rất lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tập trung thực hiện hoàn thành sự nghiệp đổi mới GD&ĐT, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; ưu tiên hàng đầu là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, trong đó, cần chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng; đồng thời, quan tâm dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, ngành GD&ĐT bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước để xác định nhu cầu, nội dung đào tạo, trên cơ sở đặt hàng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động với nhà trường; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong giáo dục Đại học, sau Đại học, trong đó, các nhà giáo đồng thời là những nhà khoa học của chuyên ngành đang giảng dạy. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng tri thức, kỹ năng, phẩm chất của người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng thực học, chống bệnh thành tích; “có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công Nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển GD&ĐT. Dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức Nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa. Chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, dạy cách học, cách tư duy là chủ yếu; phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn, đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành GD&ĐT sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới GD&ĐT; phấn đấu cũng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   18744
  • Tháng hiện tại:   449223
  • Tổng lượt truy cập:   6736321