Đúng 05h45 phút, ngày 09/4/1975, pháo chiến dịch 130 ly (pháo tầm xa của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã bắn cấp tập vào các tuyến phòng thủ của địch trong thị xã Long Khánh, mở màn Chiến dịch Xuân Lộc.
Thị xã Xuân Lộc là tỉnh lỵ tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), nằm cách thành phố Sài Gòn 80km về phía Đông, án ngữ trên trục đường số 1; từ đây nối với Đà Lạt qua đường 20, nối với Bà Rịa - Vũng Tàu qua đường 2 và đường 15. Nằm trong hệ thống phòng vệ Sài Gòn từ xa với các tuyến mắt xích trọng yếu Phan Rang - Xuân Lộc, Tây Ninh - Bắc Củ Chi, Long An - Bến Lức, Xuân Lộc được mệnh danh là “cánh cửa thép” trên cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. Tại đây, địch bố trí lực lượng cực mạnh với hệ thống công sự phòng thủ kiên cố, nhiều tầng, gồm: Sư đoàn bộ binh 18, Trung đoàn 8/Sư đoàn bộ binh 5, Lữ đoàn kỵ binh 3 (các thiết đoàn M41, M113, M48), 02 tiểu đoàn Biệt động quân, 02 tiểu đoàn Pháo binh (các pháo đội 105mm và 155mm), cùng lực lượng cảnh sát, địa phương quân. Lực lượng sẵn sàng tăng viện gồm Lữ đoàn dù số 1, Liên đoàn 81 biệt cách dù, toàn bộ hỏa lực của không quân từ hai sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.
Cuối tháng 3/1975, sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Quân đội Sài Gòn đã tổ chức phòng tuyến Xuân Lộc (kéo dài từ khu vực xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) đến khu vực xã Suối Tre (thành phố Long Khánh hiện nay) trở thành “cánh cửa thép” để “tử thủ” Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn tập trung rất nhiều đơn vị ở phòng tuyến Xuân Lộc gồm: Sư đoàn 18 (với hậu cứ ngay trong thị xã Long Khánh, nay là thành phố Long Khánh) và các đơn vị lính nhảy dù, thiết giáp, biệt động quân, thủy quân lục chiến… với mục tiêu giữ chặt phòng tuyến Xuân Lộc bằng bất cứ giá nào, đặc biệt sẽ cản bước của Quân giải phóng tiến về Sài Gòn.
Bộ đội cùng xe tăng tấn công vào giải phóng thị xã Xuân Lộc (Ảnh sưu tầm)
Vì vậy, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc, đập tan phòng tuyến Xuân Lộc. Lực lượng tham gia chiến dịch của Quân giải phóng gồm: Quân đoàn 4 (Sư đoàn 1, Sư đoàn 7, Trung đoàn độc lập 95B, Sư đoàn 6 tăng cường trong đội hình Quân đoàn 4) và các lực lượng vũ trang địa phương.
Để mở thông đường tiến công vào Sài Gòn từ hướng Đông, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch đập tan tuyến phòng ngự Xuân Lộc. Ngày 03/4/1975, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 thông qua phương án tác chiến: dùng lực lượng lớn bộ binh, xe tăng, pháo binh đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Tiểu khu và Sư đoàn 18, nhanh chóng chiếm Xuân Lộc, tạo thế và lực cho Quân giải phóng tiến công áp sát Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.
05 giờ 40 phút, ngày 09/4/1975, chiến dịch tiến công giải phóng Xuân Lộc bắt đầu. Sự an nguy của Sài Gòn và Dinh Độc Lập lệ thuộc trực tiếp vào diễn biến tại “cánh cửa thép” này, vì vậy quân địch tại đây kháng cự rất quyết liệt. Sau 12 ngày đêm bị quân ta tiến công liên tục, trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, đêm 20 rạng ngày 21/4/1975, sau khi dùng pháo binh bắn phá nghi binh, địch tổ chức tháo chạy khỏi Xuân Lộc, phòng tuyến Xuân Lộc bị đập tan.
Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc đã đẩy ngụy quyền và ngụy quân Sài Gòn vào tình trạng hoang mang, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn bị rung chuyển. Từ đó, mở ra thời cơ chiến lược quyết định cho ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, tho61nh nhất đất nước (30/4/1975) kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Huy Dương