Xã Phú Lý là một xã vùng xa của huyện Vĩnh Cửu gồm 09 ấp với 3.100 hộ dân, 11.891 nhân khẩu. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, làm vườn và một số khác sinh sống bằng nghề dịch vụ buôn bán nhỏ lẻ, được thiên nhiên ưu đãi chủ yếu phát triển cây có múi như: bưởi, cam, quýt và một số loại cây trồng khác. Thế nhưng, chị Hoàng Thị Mỹ Nhung sinh sống tại huyện Vĩnh Cửu lại đi theo hướng khác và chọn ngành kinh doanh các sản phẩm như: Túi du lịch, túi xách nữ, bóp, ví, giày, dép, dây nịt được làm bằng da cá sấu, dòng sản phẩm da thuộc khá cao cấp trên thị trường hiện nay. Sản phẩm đầu tiên của chị là một chiếc ví nam, sản phẩm may bằng tay và được một cậu học trò mua ủng hộ, chính những cảm xúc hạnh phúc này đã giúp Chị có thêm động lực và không ngừng sáng tạo để thích ứng với những khó khăn và chính từ sự tin yêu từ khách hàng, từ sự động viên, quan tâm của gia đình và các đoàn thể tại địa phương, Chị đã được tiếp thêm động lực để bước tiếp. Trước giờ người tiêu dùng nghĩ sản phẩm da cá sấu thường có giá rất cao, kén chọn khách hàng thế nhưng sản phẩm của trang trại cá sấu Hạ Vy do Chị làm chủ đã chủ động thực hiện từ khâu nuôi đến khâu đưa vào sản xuất nên có mức giá bán bình dân hơn nhiều so với mặt bằng chung ngoài thị trường. Chị bắt đầu lên TPHCM tìm chỗ xử lý da, khi đã tìm được chỗ xử lý da chị nhận về và bắt đầu nghiên cứu cách cắt, cách làm sản phẩm. Khi tìm được hướng đi mới này thì Chị cùng gia đình đã xử lý hết cá sấu ở trang trại và mua thêm của các hộ vùng lân cận, làm tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn nhận về lợi nhuận cao hơn khi bán cá sấu nguyên con lúc được giá. Khi làm ra sản phẩm, Chị bán online rất chạy trong giai đoạn dịch. Nhưng sau dịch, tình hình kinh tế đi xuống, việc bán hàng bắt đầu chậm lại, các shop bán ở khu du lịch lấy hàng ít hơn. Chị bắt đầu chuyển sang làm du lịch trải nghiệm, với lợi thế vùng cách mạng Chiến khu Đ, mô hình du lịch vườn, rừng, hồ Trị An đang được địa phương đẩy mạnh phát triển, xã Phú Lý ngày càng thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Cơ sở cũng hướng đến đầu tư khu du lịch cắm trại ven hồ, tham quan khu nuôi cá sấu và chọn mua sản phẩm ngay tại nơi sản xuất. Mô hình mong muốn tạo hướng mới góp phần phát triển ngành du lịch địa phương và quảng bá sản phẩm đến nhiều người hơn. Cụ thể, cơ sở đang cho khách tham quan trang trại chăn nuôi cá sấu và cơ sở sản xuất hoàn toàn miễn phí chỉ tổ chức thu tiền khi khách tham gia trải nghiệm làm sản phẩm đơn giản như móc khóa, dây đồng hồ (30.000/ khách), khách hàng được mang sản phẩm về. Mô hình góp phần giúp người chăn nuôi cá sấu giải quyết đầu ra ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiện nay, cơ sở có 10 thợ chuyên, 05 thợ mổ thời vụ. Ngoài ra, tùy đợt hàng sẽ huy động thêm công nhân để làm phụ. Hằng năm, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc, nhiều chị em tham gia, tiếp thu, tiếp cận kiến thức và đã khởi nghiệp rất thành công. Điển hình như gương chị Hoàng Thị Mỹ Nhung với các sản phẩm làm từ da cá sấu. Năm đầu tiên, chị Nhung tham gia thì đoạt giải Ba cuộc thi khởi nghiệp, sau đó, chị Nhung tiếp tục cải tiến sản phẩm, năm 2023, mô hình khởi nghiệp của chị Nhung đã giành giải Nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Đồng Nai tổ chức. Đây là điểm sáng cũng là tín hiệu cho phụ nữ huyện Vĩnh Cửu phát huy tính sáng tạo, cần cù trong khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, sau đó là làm giàu cho xã hội. Chị Nhung còn là hội viên nòng cốt của Hội LHPN xã Phú Lý, Chị đã chung sức với cộng đồng, địa phương tham gia nhiều hoạt động từ thiện". Vận động hỗ trợ cho học sinh nghèo hằng năm, mỗi năm từ 500 đến 1.000 bộ sách giáo khoa và 5.000 đến 10.000 quyển vở kèm dụng cụ học tập. Tháng 6/2024 tặng 500 bộ sách giáo khoa và 1.000 quyển tập cùng dụng cụ học tập cho các e học sinh khó khăn tại xã Phú Lý.
Sản phẩm làm từ da cá Sấu
Ngân Thu