Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của trí thức

09/05/2023 16:17:15 107      Chọn cỡ chữ A a  

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức. Cụ thân sinh ra Nguyễn Sinh Cung - cụ Nguyễn Sinh Sắc là một trí thức Nho học uyên bác, đã từng đỗ đạt rất cao trong hệ thống khoa cử nhà Nguyễn. Bản thân Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh cũng là một trí thức vì thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã theo học tại lớp học của nhiều nhà Nho danh tiếng ở quê hương, được trực tiếp tiếp xúc với nhiều nhà yêu nước thế hệ tiền bối, trong đó có nhiều vị là những trí thức lớn. Nguyễn Tất Thành đã từng học Trường Quốc học Huế, làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết. Năm 21 tuổi khi ra đi tìm đường cứu nước, ở Pháp, Người đã viết thư xin vào học Trường Thuộc địa của Pháp. Sau này, Nguyễn Tất Thành cũng đã từng là nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức phương Tây, có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều nhà trí thức yêu nước đến từ các nước thuộc địa. Trên hành trình trở về Việt Nam sau khi tìm ra con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc lại có điều kiện làm quen với nhiều trí thức Liên Xô, Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Năm 1987, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết số 24C/18.65, trong đó, ghi nhận những đóng góp to lớn và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người “đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại”. Trong “Nhà văn hóa kiệt xuất” Hồ Chí Minh, hiển nhiên có “Nhà trí thức kiệt xuất” Hồ Chí Minh.

 

                                                                                                                                               Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964. Ảnh tư liệu

 

Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc người trí thức Việt Nam. Ở địa vị người lãnh đạo cao nhất của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chỉ dẫn quan trọng và có những quyết sách, những ứng xử thể hiện tinh thần trân trọng đối với những người trí thức chân chính, yêu nước.

Đầu năm 1930, sau quá trình chuẩn bị công phu, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong văn kiện tại Hội nghị thành lập Đảng, thái độ đối với trí thức đã được tuyên bố rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”[1]. Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám thành công. Công cuộc kiến thiết đất nước vừa bắt đầu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Để tiến hành thành công sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc, một trong những lực lượng quan trọng - trí thức yêu nước Việt Nam - đã được Hồ Chí Minh tập hợp và phát huy cao độ vai trò của họ. Hồ Chí Minh đã quy tụ được lực lượng trí thức đông đảo, bao gồm cả trí thức Nho học và trí thức Tây học, trí thức Việt Nam ở trong nước và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trí thức Giáo và trí thức Lương, trí thức người Kinh và trí thức người dân tộc thiểu số... Cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, trí thức Việt Nam đã góp phần to lớn vào những thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam theo ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn trân trọng những người trí thức chân chính, những người trí thức yêu nước, và ngược lại, những nhà trí thức chân chính, trí thức yêu nước cũng luôn dành sự trân trọng đối với Hồ Chí Minh. Người từng viết: “Trí thức Việt Nam đã gánh một phần quan trọng trong cuộc kháng chiến cứu quốc và gánh một phần quan trọng trong công việc kiến quốc. Hiện nay hầu hết nhân viên trong Chính phủ Trung ương là người trí thức”[2]; “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”[3].

Từ chỗ thấy rõ và đánh giá cao vai trò của trí thức đối với cách mạng, Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan niệm độc đáo, cho rằng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”[4]. Ngay từ cuối thập niên 1940, Hồ Chí Minh đã coi trí thức là “vốn liếng quý báu” của dân tộc, quan điểm coi trí thức là nguồn vốn quý báu là một quan điểm rất hiện đại, thể hiện tư duy phát triển bền vững và tầm nhìn vượt thời gian của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh còn nói đến nhiều vai trò cụ thể của trí thức, như vai trò của trí thức giáo dục trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo; vai trò của trí thức y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng; vai trò của trí thức kỹ thuật trong hoạt động phát minh, chế tạo máy móc, v.v.. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực sản xuất, Hồ Chí Minh viết: “… muốn tăng gia sản xuất rộng rãi và chóng có kết quả, thì chúng tôi cần có tư bản, trí thức và lao động… Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”[5].

Ngày 06/8/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết số 27). Đây là một Nghị quyết quan trọng, trong đó, đưa ra định nghĩa trí thức; đánh giá thực trạng đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đổi mới; xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cho đến nay, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những nước phát triển mạnh mẽ.

Đối với tỉnh Đồng Nai, xác định đội ngũ trí thức là nguồn lực quan trọng, trực tiếp tham gia trong quá trình thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn có sự quan tâm chăm lo công tác xây dựng, phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức. Tính đến quý I năm 2022, số lượng trí thức, nhất là, trí thức có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng; toàn tỉnh có khoảng 46.950 người là lực lượng trí thức đang làm việc ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, huyện và cơ sở; các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh, huyện; trong đó, tiến sĩ 148 người, thạc sĩ 2.779 người, đại học 32.564 người, cao đẳng 5.552 người. Riêng đội ngũ trí thức trong khối Đảng và đoàn thể là 1.037 người, trong đó, tiến sĩ 07 người, thạc sĩ 200 người, đại học 815 người, cao đẳng 03 người. Trong số 46.950 người là lực lượng trí thức đang làm việc ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh, huyện và cơ sở; các đơn vị sự nghiệp thuộc cấp tỉnh, huyện có 877 người đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị, 5.318 người đạt trình độ trung cấp, 6.454 người đạt trình độ sơ cấp, cử nhân 21 người. Với trình độ chuyên môn ngày càng cao, đội ngũ trí thức tỉnh từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị cũng như góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của tỉnh đang đặt ra, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

                                                                                                                                                                                                 Lê Thị Tuyết (tổng hợp)

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, tập 3, tr. 3.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 5, tr. 472.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 5, tr. 200.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 5, tr. 275.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 5, tr. 184.

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   19929
  • Tháng hiện tại:   341110
  • Tổng lượt truy cập:   6628208