Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm có nội dung về việc đảng viên không được làm (viết tắt là Quy định 37) là mê tín và hoạt động mê tín.
1. Điều 19, Quy định 37 ghi rõ đảng viên không được: “Mê tín, hoạt động mê tín; ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”.
Các nội dung này đã được giải thích cụ thể trong Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 29/11/2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn “thực hiện những điều đảng viên không được làm”.
Theo đó, đảng viên không được:
Một là, có hành vi mê tín dị đoan, rải, đốt đồ mã (tiền, vàng, bạc, phương tiện, vật dụng, hình người, động vật,...) với số lượng lớn, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, cháy, nổ...
Hai là, bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan. Xem số, xem bói, yểm bùa, trừ tà và những việc mê tín dị đoan khác (tin vào thần linh, ma quỷ, những việc không có thật do tin đồn nhảm nhí mà có); hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói.
Ba là, tổ chức, tham gia hoặc vận động, ủng hộ cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây dựng đền, chùa, miếu thờ, điện thờ, nơi thờ tự của các tôn giáo khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bốn là, ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
- Trực tiếp ủng hộ hoặc vận động tổ chức, cá nhân khác ủng hộ dưới mọi hình thức cho các hoạt động tôn giáo trái quy định. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
- Tổ chức, vận động, lôi kéo, xúi giục, mua chuộc, ép buộc người khác tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra hoặc các hoạt động do các tôn giáo tổ chức khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Nghị quyết này đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái được chia làm 03 nhóm là: 09 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 09 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, 09 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ở nhóm 09 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống thì mê tín, dị đoan thuộc một trong các biểu hiện đó, cụ thể là: “Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội’.
3. Điều 55, Quy định 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã quy định rõ các hình thức xử lý kỷ luật nếu đảng viên vướng vào mê tín, hoạt động mê tín.
Theo đó:
Một là, nếu đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: (a) Biết mà không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn hoặc không báo cáo để vợ (chồng) hoặc con cùng sống chung trong gia đình tham gia tổ chức tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động, công nhận tổ chức tôn giáo; truyền đạo trái pháp luật. (b) Mê tín, dị đoan: Tổ chức lễ cầu lên chức; xem bói, xóc thẻ, nhờ thầy yểm bùa trừ tà ma và những việc mê tín, dị đoan khác. (c) Có hành vi cưỡng ép, ngăn cản hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của người khác. (d) Có hành vi tiếp tay hoặc trực tiếp vận động tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Hai là, trường hợp đã kỷ luật theo Khoản 1 Điều 55 mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): (a) Tự ý theo tôn giáo hoặc tiếp nhận phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc của tổ chức tôn giáo mà không báo cáo, xin ý kiến chi bộ và tổ chức đảng quản lý trực tiếp mình hoặc đã báo cáo nhưng chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản. (b) Phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. (c) Tổ chức, vận động, dụ dỗ, kích động, lôi kéo, đe dọa, ép buộc người khác tham gia tôn giáo bất hợp pháp. (d) Ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo. Vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, tác động xấu đến đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. (đ) Bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan trong các lễ hội; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức để trục lợi.
Ba là, trường hợp vi phạm Khoản 1, Khoản 2 Điều 55 gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: (a) Tổ chức kích động nhằm chia rẽ đoàn kết giữa các tôn giáo trong nước và ngoài nước. (b) Hoạt động mê tín, dị đoan đến mức cuồng tín, mù quáng; hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý. (c) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái pháp luật của Nhà nước nhằm phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. (d) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây chia rẽ, kỳ thị, ly khai giữa các dân tộc, tôn giáo với nhau hoặc giữa các tôn giáo, dân tộc với Đảng, Nhà nước, nhân dân; gây rối trật tự công cộng, xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của tổ chức, cá nhân; gây cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. (đ) Tham gia hoặc vận động, ủng hộ hoặc bao che, tiếp tay cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây mới cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo khi chưa được phép của cơ quan nhà nước.
4. Theo các quy định của Đảng và Nhà nước hiện nay thì kỷ luật Đảng phải đồng bộ với kỷ luật về mặt Nhà nước và ngược lại. Vì vậy, đối với vấn đề xử lý kỷ luật đảng viên nếu vướng vào mê tín và hoạt động mê tín cũng không nằm ngoài quy định này.
Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định về tội hành nghề, truyền bá mê tín, dị đoan như sau:
Một là, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hai là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: (a) Làm chết người. (b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên. (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ba là, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Ngoài các quy định của Đảng và Nhà nước nêu trên, đảng viên còn phải thực hiện nêu gương, cụ thể là theo Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”./.
Vũ Trung Kiên